Bạn đang ở: Trang chủ » Tin tức » Liều bức xạ với con người
TIN TỨC

Liều bức xạ với con người

Hỏi: Quy định trung bình về liều bức xạ tự nhiên của một người mỗi năm là bao nhiêu? Hoàng Lê Minh (Phú Thọ).

PGS.TS Trần Thanh Minh, Viện Năng lượng Nguyên tử cho biết: Liều bức xạ là đại lượng tính đến tổng năng lượng bức xạ được hấp thụ bởi tế bào sống trong cơ thể con người và mức độ ảnh hưởng sinh học mà nó gây ra.
Đơn vị đo liều bức xạ là Sievert (Sv). Liều bức xạ trung bình đối với một người là từ 1 - 2mSv/năm. Bức xạ trong nhà trung bình tạo ra liều bổ sung khoảng 1 - 3mSv/năm. Ở những ngôi  nhà bị ảnh hưởng nặng thì liều ở đó có thể cao hơn từ 10 - 100 lần.
Mỗi lần đi chụp X-quang, người chụp thường phải chịu liều từ 0,2 - 5mSv. Vì thế, mỗi năm chúng ta chỉ nên chụp X-quang tối đa 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Tác động của bức xạ đến các tế bào sống trong cơ  thể người là rất kinh khủng.
PV (ghi)

Sống chung với bức xạ tự nhiên

Theo các chuyên gia, con người hàng năm vẫn phải chịu một nguồn bức xạ tự nhiên. Tuy chưa thể kết luận cụ thể mức xạ này ảnh hưởng đến sức khoẻ thế nào nhưng tốt nhất nên biết cách giảm thấp mức xạ một cách hợp lý. 

Ở đâu cũng có bức xạ tự nhiên!

Sau khi tìm hiểu và tập hợp số liệu từ nhiều nước trên thế giới, tổ chức quốc tế UNSCEAR đã đưa ra con số về phông phóng xạ trung bình toàn cầu là 2,4mSv/năm.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Trưởng ban Kế hoạch và Quản lý khoa học (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), đây là con số trung bình một năm mỗi người sống trên hành tinh đều nhận một liều bức xạ tự nhiên.

Nguồn bức xạ tự nhiên có từ cây, cỏ, hoa lá, không khí, nhà ở, thực phẩm... do các đồng vị (nguyên tố) phóng xạ sinh ra mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Phóng xạ này có từ ngàn xưa đến nay và ảnh hưởng đến con người từ đời này sang đời kia.


Nguồn bức xạ tự nhiên có từ cây, cỏ, hoa lá, không khí, nhà ở, thực phẩm... do các đồng vị (nguyên tố) phóng xạ sinh ra mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

"Đặc biệt, trong bức xạ tự nhiên có đến 1/2 là khí radon được sinh ra từ đất và lẫn vào không khí. Con người hít khí radon vào tạo ra phóng xạ con người, sau đó khí này lại đâm từ cơ thể ra ngoài tự nhiên", TS Tuấn giải thích.

Còn theo ông Lê Quang Hiệp, Phó cục trưởng Cục an toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam), bức xạ có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc.

Có thể chia ra hai loại bức xạ chính là bức xạ ion hóa có năng lượng cao phát ra từ máy X-quang, máy gia tốc... và bức xạ tự nhiên có nguồn từ Mặt Trời, nhà ở...  Việc tồn tại của bức xạ tự nhiên là điều đương nhiên, còn các loại bức xạ ion hóa hiện nay Nhà nước đang kiểm soát rất chặt chẽ.

Không thể không có bức xạ!

Theo TS Anh Tuấn, mức phông 2,4mSv/người/năm là con số mang tính xác suất, phông thấp của môi trường. Tuỳ vào vùng sinh sống mức bức xạ này có thể cao hoặc thấp hơn.

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, với mức 2,4mSv/người/năm không xảy ra hiệu ứng gì với sức khoẻ. Tuy nhiên, khả năng ít ảnh hưởng tốt hoặc xấu đối với sinh vật (cả con người lẫn thực vật) là vẫn có. Nếu ảnh hưởng tốt, bức xạ này có thể giúp sinh vật khoẻ hơn, cao lớn hơn. Nếu ảnh hưởng xấu có thể khiến sinh vật  còi cọc, yếu hơn.

"Tất cả chỉ mang tính xác suất với rất nhiều cá thể và phải ảnh hưởng trong thời gian dài từ đời này qua đời khác", TS Tuấn cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, ở những vùng cao hay duyên hải của Việt Nam, mức bức xạ tự nhiên có thể lên đến 5 - 7mSv/năm/người. Người dân ở đây vẫn sống và không phát hiện ra con người bị bệnh tật.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Trường Thị, nguyên giảng viên địa chất trường Đại học Quốc gia cho biết, mức phóng xạ tự nhiên hiện nay rất nhỏ, cao cũng chỉ khoảng từ 15 - 30MicroRăngghen, so với quy định độ phóng xạ đạt đến 80MicroRăngghen mới có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì thế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Con người không thể không chịu ảnh hưởng của nguồn bức xạ tự nhiên nhưng biết cách giảm thấp mức này một cách hợp lý vẫn là cách tốt nhất. Người dân nên để nhà cửa thoáng gió, không đóng cửa suốt ngày. Hạn chế nằm lâu trên nền nhà để giảm khí radon sinh ra từ đất. Tránh ở lâu trong hầm kín, hầm phải có thông gió...

"Phóng xạ tự nhiên hiện chưa có trong pháp lệnh quản lý. Đây là một vấn đề mới, rộng đang trong quá trình nghiên cứu đánh giá. Vì thế, vẫn chưa thể có kết luận bức xạ tự nhiên có ảnh hưởng cụ thể đến sức khoẻ con người như thế nào và  cách phòng tránh ra sao vẫn là câu hỏi lớn", ông Lê Quang Hiệp.

Thu Hiền

Đẩy bức xạ ra khỏi nhà

 

Theo khuyến cáo của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, giới hạn nồng độ radon có ảnh hưởng lên sức khoẻ con người là 150 Bq/m3. Mức giới hạn được nhiều nước ở Châu Âu công nhận là 200 Bq/m3. Cách tốt nhất bảo vệ sức khoẻ là tiến hành đo nồng độ radon trong mỗi gia đình.

Kết quả điều tra cho thấy, nồng độ khí radon có trong bức xạ tự nhiên trong nhà ở nước ta cao hơn mức công bố của thế giới. Tuy nhiên, nếu biết cách giảm thấp mức xạ một cách hợp lý sẽ giúp con người phòng tránh các rủi ro. 

Nồng độ bức xạ trong nhà cao

Theo một điều tra đánh giá của các chuyên gia thuộc Liên đoàn Vật lý địa chất và Hội địa - vật lý Việt Nam trên 54 đô thị trong cả nước về đo nồng độ khí radon trong không khí ngoài trời và trong nhà ở cho thấy: Tại 761 điểm khảo sát, nồng độ radon trong không khí dao động từ 1,0 - 37,9 Bq/m3 (trừ các vị trí gần dị thường phóng xạ radon); trong nhà ở dao động từ 5 - 406 Bq/m3. Trong đó, 13 ngôi nhà có mức nồng độ radon vượt quá mức giới hạn 150 Bq/m3.

m
Nếu biết cách giảm thấp mức xạ một cách hợp lý sẽ giúp con người phòng tránh các rủi ro.

Như vậy, theo công bố của thế giới, nồng độ radon trong không khí ở Việt Nam nằm ở mức trung bình, nhưng nồng độ radon trong nhà tương đối cao ví dụ như một số điểm của các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Điện Biên, Huế, Đồng Hới, Sầm Sơn (Thanh Hoá)... Cũng theo khảo sát này, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện nhà ở quá chật chội, nhà thấp và không thông thoáng.

Còn theo TS Nguyễn Hào Quang - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật và Ứng phó sự cố (Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân), radon có thể được xem như là một nguồn phóng xạ tự nhiên có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe của con người.

Trong đó, nồng độ radon trong nhà chiếm tới 95%. Nồng độ này phụ thuộc nhiều vào kiểu nhà, vật liệu xây dựng, nền địa chất nơi chọn xây dựng nhà ở.

Những ngôi nhà có mức nồng độ radon vượt mức giới hạn là loại có kiểu kiến trúc không thông thoáng, xây dựng bằng đá granit, nhà xây dựng trên nền địa chất có cường độ phóng xạ cao như: Trên nền đá magma, trên các dị thường sa khoáng ven biển (ilmenit, titan...), trên các đứt gãy địa chất, hoặc vật liệu xây dựng nhà như gạch, ngói đốt bằng những loại than có hoạt độ phóng xạ cao...

Thường xuyên mở cửa, quạt thông gió

Theo các chuyên gia địa chất, các hạt alpha phát ra từ radon sẽ phá hủy các tế bào của cơ thể con người một khi nó được phát ra từ bên trong cơ thể. Mối nguy hiểm chính khi bị chiếu một liều radon cao là khả năng mắc phải căn bệnh ung thư phổi. Xác suất này tăng gấp 10 lần nếu kết hợp với việc hút thuốc lá.

a
Mở cửa thường xuyên sẽ hạn chế bức xạ trong nhà.

Một trong những nguy cơ lớn nhất từ bức xạ tự nhiên chính là nồng độ khí radon có trong vật liệu xây dựng nhà ở. "Tuy nhiên, con người có thể chủ động hạn chế mức bức xạ chiếu lên người một cách hợp lý nhằm giảm nguy cơ bằng cách đo nồng độ radon", TS Quang cho biết.

Trước hết, cần khảo sát, chọn địa điểm xây dựng trên nền địa chất có cường độ phóng xạ thấp. Chọn mẫu nhà có kiến trúc thông thoáng. Chọn vật liệu xây dựng nhà sạch về mặt phóng xạ.

Ở những ngôi nhà đã xây dựng có nồng độ radon cao trên mức giới hạn, để giảm nồng độ radon, cần thường xuyên mở cửa, quạt thông gió, hút bụi thường xuyên. Tránh ở lâu trong hầm kín, trong trường hợp bất khả kháng hầm phải có thông gió. Khi ra nắng nên bôi kem chống nắng, đi đường nên đeo khẩu trang. Không nên ở bãi biển có cát đen quá lâu...

Thu Hiền